VẬT LIỆU LỌC (VLL) TỐT NHẤT CHO HỒ THỦY SINH LÀ GÌ?
Vật liệu lọc bao gồm những chổ trú ẩn cho hệ vi sinh trong hay ngoài hệ thống lọc. Khác với hồ cá thông thường, vật liệu lọc của 1 hồ thủy sinh thường đơn giản hơn nhưng là yếu tố sống còn của cả hệ thống. Mình xin liệt kê những VLL thông dụng được dùng rộng rãi và cho ý kiến cá nhân về chất lượng và giá cả từng loại trong phần I, và phần II là 1 case study nhỏ để các bạn đánh giá xem vll nào là tốt nhất.
I. Những vll thông dụng ở VN
1. Eheim Substrat Pro: vll của công ty chuyên về bộ lọc hồ cá nổi tiếng thế giới Eheim. Vll này thường đi kèm với 1 số dòng máy lọc của eheim và là loại được đánh giá cao nhất trong 5-10 năm trước. Giá của Substrate Pro cũng khá cao so với mặt bằng chung, và cho đến tận bây giờ giá đó vẫn giữ ổn định.
– Điểm mạnh: chất lượng cao, chổ chứa vi sinh nhiều, thương hiệu nổi tiếng thế giới, không ảnh hưởng đến các chỉ số nước như gH, kH, pH…
– Điểm trừ: dùng 1 vài năm là bị bào mòn, và phải thay thế, giá cao
– Ý kiến cá nhân và lời khuyên: đáng tiền mua. Không nhất thiết phải dùng full lọc, chỉ 1-2L là đủ cho đa số hồ thủy sinh thông dụng
2. Seachem Matrix: vll của công ty Seachem (Mỹ), ngôi sao mới nổi trong 5-6 năm trở lại đây, giờ đã vượt và chiếm ngôi vương của substate pro ở VN về độ thông dụng.
– Điểm mạnh: chất lượng cao, chổ chứa vi sinh được seachem công bố là “nhiều nhất TQ, vượt qua sub pro nhiều”. không ảnh hưởng đến các chỉ số nước như gH, kH, pH… Tái sử dụng nhiều năm, hao mòn ít.
– Điểm trừ: Luôn bị lẫn sỏi đá trong bao bì, vậy nên người bán luôn bị hiểu nhầm và bị phốt oan nhiều năm. Giá cả chấp nhận được nhưng vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung. Dễ bị fake hơn là sub pro (nhìn giống cục đá thông thường nếu không rành)
– Ý kiến cá nhân và lời khuyên: đáng tiền mua, nên mua ở những nơi uy tín. Không nhất thiết phải dùng full lọc, chỉ 1-2L là đủ cho đa số hồ thủy sinh thông dụng
3. ADA Bio Rio: VLL của công ty ADA Nhật bản, nhưng Bio rio và cả dòng lọc INOX của ADA đều chưa bao giờ là sản phẩm nổi bật của hãng.
– Điểm mạnh: không ảnh hưởng đến các chỉ số nước như gH, kH, pH… Tái sử dụng nhiều năm, hao mòn ít.
– Điểm trừ: không có gì nổi bật, giá cao
– Ý kiến cá nhân và lời khuyên: nếu có cơ hội thì có thể trải nghiệm.
4. JBL Micromec: VLL của công ty JBL Đức, cũng như Bio Ring, Micromec chưa bao giờ là sản phẩm nổi bật của jbl (không xứng với dòng lọc huyền thoại JBL greenline.
– Điểm mạnh: không ảnh hưởng đến các chỉ số nước như gH, kH, pH…Tái sử dụng nhiều năm, hao mòn ít.
– Điểm trừ: không có gì nổi bật, giá cao
– Ý kiến cá nhân và lời khuyên: nếu có cơ hội thì có thể trải nghiệm.
5. Sứ Trung Quốc, đất nung: VLL thông dụng bậc nhất vì rẻ và chất lượng. Bao năm qua mình vẫn dùng sứ lổ TQ và rất hài lòng.
– Điểm mạnh: RẺ TIỀN, chất lượng quá tốt so với giá , tái sử dụng nhiều năm, hao mòn ít
– Điểm trừ: thỉnh thoảng gây tăng gH và pH, dễ vỡ
– Ý kiến cá nhân và lời khuyên: nếu kinh tế eo hẹp thì đây là sự lựa chọn số 1 của bạn. Nên rửa sơ trước khi sử dụng.
6. Nham thạch trắng indo / thổ nhĩ kì: VLL được mệnh danh là matrix rẻ, matrix VN, InDo… Gần đây đang dần trở lên thông dụng và được yêu thích
– Điểm mạnh: nhẹ, rẻ, không ảnh hưởng đến các chỉ số nước như gH, kH, pH…Tái sử dụng nhiều năm, hao mòn ít.
– Điểm trừ: khó chìm
– Ý kiến cá nhân và lời khuyên: nếu kinh tế eo hẹp thì đây là sự lựa chọn số tốt của bạn. Nên rửa sơ trước khi sử dụng. Nham thạch trắng hợp nhất khi dùng để độn nền số lượng lớn vì giá thành rẻ và an toàn.
7. Than hoạt tính / seachem purigen: là VLL hóa học chuyên dùng để loại bỏ mùi tanh, độc đố, chất hữu cơ dư thừa. Thường người chơi chỉ sử dụng tạm thời những VLL hóa học này. Tuy nhiên có 1 thành viên người Séc trong nhóm nghiên cứu của mình luôn khẳng định rằng than hoạt tính là VLL tốt nhất thế giới vì khả năng loại bỏ hữu cơ của nó. Mình chưa đồng ý với quan điểm này nhưng sẽ có những bài nghiên cứu về VLL thú vị này sau.
– Điểm mạnh: rẻ (than hoạt tính), seachem purigen cũng không quá mắc khi 100ml dùng tốt cho hồ 400L nước, có khả năng loại bỏ hữu cơ, màu nước và làm trong nước tốt.
– Điểm trừ: vì khả năng loại bỏ hữu cơ nên chúng loại bỏ luôn dinh dưỡng hữu cơ quý báu của thực vật thủy sinh. Dùng 1 thời gian sẽ phải thay thế thay hoàn nguyên.
– Ý kiến cá nhân và lời khuyên: có thể dùng khi cần, không nên lạm dụng
8. Nham thạch nâu VN: VLL “huyền thoại” ở VN. Dân chơi cá hay dùng loại nham thạch này, tuy nhiên nếu dùng 1 lượng lớn nham thạch nâu để lót đáy nền hay cho quá nhiều vào trong lọc thì có nguy cơ gây độc kim loại nặng tan ra từ nó. (mình sẽ nói rõ ở case study phần II)
– Điểm mạnh: rẻ, rất rẻ, dễ mua, dễ dùng
– Điểm trừ: có khả năng gây độc kim loại, đặc biệt là bể thủy sinh với nhiều cây nhạy cảm.
– Ý kiến cá nhân và lời khuyên: với sự đa dạng VLL và giá thành ngày càng giảm, thì có nhiều sự chọn lựa tốt và an toàn hơn nham thạch nâu này nhiều.
9. Bông lọc: Không thể không nhắc đến bông lọc. Bông lọc có nhiều loại mịn, tơi.. nhiều màu khác nhau. Nhưng điểm chung là có thể chứa vi sinh cực tốt. Có thể nói sau khi set 1 hồ thủy sinh, cách khởi tạo vi sinh tốt và nhanh nhất là cho 1 miếng bông lọc của 1 hồ đã ổn định vào hệ thông lọc hồ mới (sứ lọc và nước hồ cũ không hiệu quả lắm trong trường hợp này). Trong bất cứ hệ thống lọc nào cũng nên kết hợp bông lọc và 1 trong những loại VLL ở trên. Riêng bản thân mình luôn dùng 30-50% bông lọc và còn lại thường là sứ TQ hoặc matrix, subtrate pro.
– Điểm mạnh: rẻ, cực hiệu quả trong việc giữ bụi, làm trong nước, chứa vi sinh…
– Điểm trừ: đa số phải thay sau 1 thời gian sử dụng, dùng nhiều, dơ sẽ làm giảm dòng chảy và yếu máy bơm của lọc.
10. Những loại VLL khác như sứ ISTA, upaqua, NEO… mình cũng đã dùng qua nhưng thật sự chất lượng đều như nhau, chấp nhận được và không quá nổi trội. Ngoài ra có 1 số loại VLL cao cấp khác dành cho người chơi cá tép mắc tiền như PowerHouse chẳng hạn, nhưng hiệu quả mang lại thật sự chưa tương xứng với số tiền bỏ ra.
Kết: Khách hàng, bạn bè và người chơi hay hỏi mình: Vậy anh Văn thích dùng loại VLL nào? Mình xin trả lời như sau:
– Nếu để tiết kiệm chi phí, làm hồ cho khách có tài chính hạn hẹp: 50% bông lọc thường và 50% còn lại là Sứ lỗ TQ, màu trắng hay đỏ đều OK. Cực kì hiệu quả so với số tiền bỏ ra.
– Nếu lọc nhỏ (vì không gian hay nhiều lý do khác): 50% bông lọc và 50% matrix (hoặc substat pro) – cỡ 1-2L là đủ
– Nếu có điều kiện kinh tế: 30% bông lọc, 70% matrix hoặc substat pro
Vậy để trả lời câu hỏi: VLL tốt nhất cho hồ thủy sinh là gì, các bạn vui lòng đọc ở case study phần II nhé.
II. Case study về 2 hồ bị độc kim loại nặng
1. Hồ 1m2 50 50:
Xin nhắc lại về hồ 1m2 mình lót đến hơn 50kg nham thạch nâu ở đáy để nâng hậu cảnh, phủ gex xanh (tcnt cực kì thích nền gex), bật 8 bóng odyssea t5h0, Co2 30 ppm, theo kinh nghiệm của mình thì mọi chỉ số đều tốt và có thể trồng hầu như mọi loại cây thủy sinh. Mình trồng full thảm tcnt nhưng sau vài tuần tcnt có dấu hiệu độc, lá teo nhỏ, rúc nền và hầu như không phát triển. Rêu trên lũa thì úa vàng dù nhiệt độ thấp và mình thay nước thường xuyên. VLL CỦA MÌNH GỒM 2 LỌC CÓ MATRIX, SUBSTRAT PRO VÀ SỨ TQ.
Mình làm lại, thay lớp gex xanh kia bằng nền trơ, và sau 1 thời gian, tcnt vẫn có dấu hiệu độc như trên (dù mình đã đổi nguồn tcnt mua nơi khác), rêu vẫn vàng.
Làm đủ cách từ thay nước, châm dinh dưỡng, Co2… đều không thấy rêu và tcnt cải thiện. Mình nghĩ là ánh sáng quá cao nên tcnt và rêu không chịu nổi nên giảm từ 8 bóng xuông 6 bóng, rồi 4 bóng, sau đó là đổi còn 3 bóng jebo t8 treo rất cao. Nhưng cuối cùng đều vô ích, dù ánh sáng yếu của 3 bóng t8 jebo, rêu vẫn vàng khè. Mình bực quá tắt hết đèn trong 1 tuần (chỉ còn đèn trên tường vào buổi tối chiếu sáng cả phòng), ngạc nhiên thay sau 1 tuần mình thấy rêu căng xanh và phát triển mạnh trở lại, tcnt thì tuy không bò nhưng nhìn không có vẻ bị độc như trước. Vậy vấn đề là gì???
2. Hồ 90x45x45:
Hồ thứ 2 mình set trước đó vài tháng, mình trồng full thảm Trân Châu Cuba và rất nhiều loại cây rotala. Mình không lót quá nhiều nham thạch nâu nâng nền như hồ 1m2 kia nhưng cũng dùng 5-10kg cho hồ 90 này. Cây cối rất căng đẹp, rotala colorata, vàng, xanh lên màu cực đẹp, thảm Trân châu cuba full xanh rì (chắc 1 số bạn còn nhớ hồ này của mình). Mọi chuyện đều ổn cho đến 1 ngày, mình lật thảm tccb, nhổ hết cây rotala để lấy chổ..ươm nana petite và rêu. Tuy không thay đổi gì về thông số hồ nhưng sau vài ngày mình nhận thấy dấu hiệu quen thuộc của độc kim loại trên ráy và rêu vàng khè như hồ 1m2. Vậy vấn đề là gì???
Kinh nghiệm của mình cho thấy rằng:
– ở hồ 1m2, ánh sáng dù cao hay từ 3 bóng jebo vẫn có thể là nguyên nhân “kích hoạt” độc tốt, và độc tố đó là kim loại nặng được tan ra trong đống nham thạch nâu lót nền, quá trình này được gọi là QUANG KHỬ SẮT, công thức là: Fe3+ (Fe tan ra từ nham thạch nâu) + Ánh Sáng => Fe2+ (gây độc rêu và cây nếu nồng độ cao). Khi tắt đèn thì Fe3+ không được khử thành 2+ và rêu không bị độc. Dù thay nước nhiều ở hồ này nhưng từ 50kg nham thạch lót nền tan ra cực nhiều. Từ kết luận này mình lật hồ, đổi toàn bộ nham thạch nâu thành nham thạch trắng indo, và kết quả các bạn chắc cũng đoán được, hồ mình trồng tcn, tcnt đều full cực nhanh.
– Nhưng thế còn hồ 90 kia, mình cũng lót khá nhiều nham thạch nâu, nhưng lại không bị độc cho đến khi trồng ráy và rêu. Đọc đến đây các bạn cũng sẽ thấy hồ của các bạn, hoặc người quen bị tương tự phải không? Khách hàng của mình trải nghiệm tương tự như vậy khá nhiều. Họ lót nham thạch nâu, trồng hồ Hà Lan cực tốt, nhưng khi cắt tỉa hay đổi qua trồng rêu ráy dx thì lại bị vấn đề.
Cuối cùng mình cho ra kết luận rằng: CÂY THỦY SINH (RONG, CÂY CẮT CẮM PHÁT TRIỂN NHANH) CÓ KHẢ NĂNG LỌC NƯỚC VÀ KIM LOẠI NẶNG, ĐỘC TỐ TỐT NHẤT, HIỆU QUẢ HƠN BẤT CỨ VLL MẮC TIỀN NÀO. Sir Amano đã từng công bố rằng hồ thủy sinh nào nhiều cây thì đa số cá tép đều rất khỏe mạnh. Vậy cây thủy sinh, theo tự nhiên, là vll tốt nhất thế giới. Đây là câu trả lời mình tìm được qua nhiều năm trải nghiệm.
Vậy nên nếu có thể, khi set hồ, anh em (đặc biệt là các bạn mới chơi) nên cắm nhiều cây thủy sinh phát triển nhanh, vừa để tăng cảm nhiễm trị rêu hại, vừa làm hồ cycle nhanh hơn, lọc nước, hữu cơ và độc tốt kim loại nặng tốt hơn, và đa số những loại cây thủy sinh này đều rất rẻ.
Chúc các bạn thành công.
Kyle says
Chào anh em có mua 1 ít nham thạch đỏ , loại này có ổn để độn nền không , em thấy một số người bán nên mua thử
Phạm Thành Văn says
không nên cho loại nham thạch đỏ vào lọc vì có khả năng tan ra kim loại nặng.
Son nguyen says
Chào anh Văn ạ, anh cho em hỏi em độn nền bằng viên đất nung có ổn không? Có gây độc kim loại hay tăng pH gì không anh nhỉ?
Phạm Thành Văn says
cái đó an toàn đó e