Trước khi vào vấn đề chính, mình xin nói sơ qua 1 thuật ngữ trong tiếng Anh gọi là “Thermocontact” qua 1 số ví dụ dễ hiểu. Một lò nướng khi vừa nướng chín thịt xong thì nhiệt độ trong lò phải trên 200 độ C dù đã ngắt điện, nhưng con người hoàn toàn có thể đeo 1 đôi găng tay thông dụng thò vào lấy thịt hay bánh mì ra và không bị bỏng. Nhưng 1 ly nước sôi 100 độ C hoặc chỉ cần 80 90 độ, dù có đeo găng tay nhúng vào thì những ngón tay chạm nước sẽ bỏng ngay. Vậy lý do là gì? Câu trả lời là vì trong lò nướng độ ẩm thấp hơn là ly nước. Cũng giống như nhiều người nước ngoài sinh sống thoải mái ở những nơi nhiệt độ lên đến trên 40 độ C nhưng khi qua VN thì chỉ cần ở thành phố cỡ 31-35 độ là chịu không nổi, lý do vẫn là độ ẩm trong không khí của nước ta cao hơn bên họ.
Vậy thì nếu so sánh 2 môi trường cạn và dưới nước trong 1 hồ thủy sinh các bạn sẽ thấy rằng tất cả những nồng độ về Co2, dinh dưỡng, nhiệt độ trên cạn sẽ cao hơn nhiều so với dưới nước. Và tất nhiên chỉ cần 1 lượng nhỏ dư thừa dưới nước thì hồ thủy sinh của bạn sẽ gặp vấn đề ngay tức khắc.
Trong bài chia sẽ này mình sẽ tập trung giải thích những vấn đề chính như sau:
- Nồng co2 trên cạn và dưới nước trong hồ thủy sinh khác nhau ra sao, liệu có trường hợp “dư co2” trong hồ thủy sinh như 1 số bạn suy luận, đồn đại?
- Nồng độ dinh dưỡng trên cạn và dưới nước khác nhau thế nào, cây thủy sinh phản ứng ra sao?
- Nhiệt độ nào tối ưu và có thể chịu đựng của cây cạn và dưới nước?
1. Nồng độ Co2:
Trên môi trường cạn, nồng độ co2 có thể dao động từ 300-1000 ppm (mg/l), máy đo chuyên dụng đo thấy co2 của TP HCM- quận Bình Thạnh, Thủ Đức là cỡ 400 ppm. Trong phòng lạnh, phòng kín và đông người thì lượng co2 có thể lên đến 2000-2500 ppm (2500 miligram trên 1 lít không khí) – các bạn xem hình phía dưới để thấy lượng co2 trong 1 phòng lab ở HCM chuyên trồng cây thủy sinh nhé.
Dưới nước, nồng độ co2 cao được xem là lý tưởng cho 1 hồ thủy sinh là 30-40 ppm, và lượng này cũng rất khó đạt. Có những trường hợp lượng co2 lên đến 50-100 ppm, 1 con số “kinh khủng” dù so với con số 2500 ppm trong không khí thì chẳng nhằm nhò gì. Tuy nhiên vì dưới nước, theo luật thermocontract mình vừa đề cập thì lượng co2 trên 40 ppm có thể làm cá ngộp, nhưng với cây thì lượng này chẳng ăn thua. Mình đã thí nghiệm nhiều hồ có nồng độ co2 trên 100 ppm và nhận thấy rằng hầu như KHÔNG bao giờ là DƯ CO2 cho cây thủy sinh. Ngoài việc giết cá tép thì co2 quá cao trong nước còn có khả năng gây giảm pH quá thấp làm yếu vi sinh thôi.
2. Về nồng độ dinh dưỡng của cây cạn, thủy canh và cây thủy sinh khác nhau thế nào?
Trên môi trường cạn, thủy canh, thì đa số cây cối có thể chịu được nồng độ dinh dưỡng cực cao, lên đến cả ngàn ppm. Lý do là cây cạn hút dinh dưỡng chủ yếu qua bộ rễ và chỉ 1 phần nhỏ qua lá, và khi dinh dưỡng được rể chọn lọc thì chuyện ngộ độc hiếm khi xảy ra. Dưới nước thì là 1 câu chuyện khác, thủy mộc chủ yếu hút dinh dưỡng qua lá 1 cách vô tội vạ, không sàng lọc nên chỉ cần 1 lượng dinh dưỡng cao 1 chút cũng có thể làm cây dị dạng, không phát triển, thối rữa, rụng lá, mất màu. Tất nhiên 1 số hồ thủy sinh có hệ vi sinh cực ổn định thì cây thủy sinh sẽ được bảo vệ tốt hơn, chịu đựng được nồng độ dinh dưỡng cao hơn 1 số hồ khác.
Qua trải nghiệm thì mình thấy ở môi trường nước, đa số cây thủy sinh chịu được mức No3 dưới 50 ppm, Fe dưới 0.2 ppm nếu nước mềm (gH thấp và hệ vi sinh không tốt), 1 số cây nhạy cảm như rolata walichii thì chịu đựng còn kém hơn nhiều. Thêm vào đó, theo cái luật thermocontact thì lượng vi lượng cao trong nước (1 số là kim loại nặng như kẽm Zn, hay Nikel Ni..) rất dễ gây độc dưới nước với nồng độ rất thấp.
Kinh nghiệm rút ra là nếu nước hồ thủy sinh của bạn có gH thấp thì đừng dùng mấy phân nước thủy canh, hoặc tự châm bậy bạ vào hồ mình.
3. Nhiệt độ cũng là 1 vấn đề cần lưu tâm.
Trên cạn thì cây cối có thể chịu đựng được nhiệt độ khá cao (giống như câu chuyện găng tay cho vào lò nướng ở trên), lên đến 35-40 độ, nhưng dưới nước khi nhiệt độ lên quá 30 độ thì đa số cây thủy sinh bắt đầu phản ứng tiêu cực, đầu tiên là ngừng phát triển và sau đó sẽ bị rêu hại tấn công và tàn lụi dần. Đây cũng là lý do anh em chơi thủy sinh hay dùng chiller và quạt để giải nhiệt cho hồ mình. Theo kinh nghiệm cá nhân thì nhiệt độ lý tưởng cho 1 hồ thủy sinh là từ 22-26 độ C.
Hy vọng qua bài viết chia sẽ này, anh em sẽ có thêm chút thông tin để chăm sóc hồ tốt hơn. Chúc các bạn có hồ đẹp và luôn nhận được niềm vui trong thú chơi tao nhã này.
Phạm Thành Văn – thuysinhaz.com – 14/4 /2019
HOANG NGOC VU says
Cảm ơn bạn. Bài viết của bạn thật sự rất bổ ích, những người mới bắt đầu tìm hiểu thuỷ sinh thật sự rất cần những bài viết hiểu sâu về bản chất như thế này, tôi đánh giá cực cao khả năng tổng hợp và truyền đạt vấn đề của bạn.
Chúc bạn sức khoẻ.
Phạm Thành Văn says
cảm ơn bạn. Chúc bạn thành công trong thú chơi này cũng như trong cuộc sống và công việc