Chọn Cốt Nền Phù Hợp Cho Hồ Thuỷ Sinh
Người mới chơi thủy sinh thường hay bị rối thông tin về nền và cốt nền. Thậm chí một số bạn đã có kinh nghiệm chơi 1 thời gian vẫn chưa hiểu rõ và chọn đúng cốt nền. Mình đã gặp khá nhiều khách hàng tìm đến mình nhờ “chữa trị” cho hồ, và đa số các vấn đề gây mất cân bằng của các hồ này là bắt đầu từ việc chọn sai cốt nền ngay từ đầu. Mình viết bài này hy vọng các bạn mới chơi có thêm chút thông tin và kinh nghiệm để cuộc chơi dễ dàng hơn cho các bạn. Các bạn nên đọc đến phần quan trọng nhất ở cuối bài.
1. Cốt nền thủy sinh là gì
– Cốt nền là lớp dinh dưỡng cô đặc thường được trải đáy hồ, dưới lớp phân nền (chất nền) công nghiệp, hoặc dưới lớp sỏi, cát. Mục đích chính của cốt nền là cung cấp dinh dưỡng trực tiếp cho rễ cây thủy sinh, hạn chế tối đa dinh dưỡng được tan tự do vào trong nước gây khó quản dinh dưỡng, độc cây và bùng phát rêu hại. Đa số cốt nền thường không có khả năng tan vào trong nước hoặc tan rất chậm vì nó được kết hợp trộn chung với thành phần chính là đất sét và đặc biệt là cốt nền luôn được để dưới lớp đáy hồ, được phủ dày 1 lớp chất nền phía trên.
– Thành phần dinh dưỡng đa số các loại cốt nền bao gồm đầy đủ ĐA VI LƯỢNG như N, P, K, Ca, Mg, Fe, Mn, B, Zn, Cu… Nhưng chất chủ đạo, chiếm thành phần nhiều nhất trong các loại cốt nền chính là N (Đạm). Một số loại cốt nền còn là chổ chứa vi sinh quan trọng cho cả hệ thống hồ thủy sinh.
– Cần lưu ý là cốt nền và nền trộn tuy đều có nhiều dinh dưỡng, và đều được phủ bởi lớp nền côn nghiệp hay sỏi cát, về bản chất là giống nhau, nhưng các bạn mới chơi cũng nên hiểu rõ sự khác biệt của chúng là: cốt nền thường được làm khô và cô đặc, và nó luôn được để lớp dưới cùng của bộ nền. Nhiều hồ có thể dùng cốt nền sau đó phủ nền công nghiệp lên là xong, nhưng 1 số người chơi có kinh nghiệm có thể dùng chung cốt nền ở đáy, phủ nền trộn ở trên, sau đó phủ lớp nền công nghiệp lên trên cùng.
2. Các loại cốt nền thủy sinh
a. Cốt nền công nghiệp
– Cốt nền CN được sản xuất hàng loạt bởi những công ty thủy sinh như JBL (Đức), Sera (Đức), Tropica (Đan Mạch), Seachem (Mỹ), ADA (Nhật), Marfied (Nhật), Dennerle (Đức)… Những sản phẩm thông dụng, chất lượng được dân chơi thủy sinh Việt Nam tin dùng bao gồm: JBL Florapol, JBL Aquabasic Plus, ADA power sand advance, Tropica Substrate, Marfied Tropical Base…
– Điểm mạnh của cốt nền CN là AN TOÀN, sạch sẽ, tiện lợi và dễ dàng set hồ. Lượng dinh dưỡng trong cốt nền CN thường được tính toán kĩ và dừng ở mức vừa phải nên hầu như không bao giờ gây độc cho cây, kể cả những loại cây nhạy cảm như Trân Châu Ngọc Trai, Cỏ Giấy, TC 3 lá, Rotala Wallichii… Cốt nền công nghiệp cũng ít khả năng bị xì hơn, thời gian cycle ổn định hồ cũng ngắn hơn so với cốt nền tự trộn.
– Điểm yếu của cốt nền CN là giá thành cao hơn cốt nền tự trộn, lượng dinh dưỡng cũng ít hơn, tuy an toàn nhưng người chơi phải châm thêm phân nước dinh dưỡng cho những hồ trồng nhiều cây hoặc những cây cần dinh dưỡng cao.
b. Cốt nền tự trộn
– Loại cốt nền này được những người chơi kinh nghiệm tự trộn. Thành phần đa số trộn đất sét, phân trùn quế, bánh dầu, than bùn, vi sinh… Để tạo ra 1 loại cốt nền chất lượng đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, chỉnh sửa công thức. Những công đoạn này không hề đơn giản và dễ dàng. Loại cốt thông dụng được tin dùng rộng rãi trong nam là cốt Aquabase của nuphar aqua. Ở ngoài bắc dạo này cốt nền của Vũ Aqua và Magic Base cũng rất thông dụng.
– Điểm mạnh của cốt nền tự trộn là giá thành rẻ hơn cốt công nghiệp, lượng dinh dưỡng cũng đậm đặc hơn. Dưới đây là clip mình set hồ Hà Lan 1m2 dùng cốt và nền trộn nuphar aquabase.
– Tuy nhiên, cũng vì lượng dinh dưỡng cao nên đa số các loại cốt nền tự trộn này rất nóng thời gian đầu, hầu như không thể trồng được những loại cây nhạy cảm, điển hình là các loại cây đang được người chơi VN yêu thích như Trân Châu Ngọc Trai, Trân Châu Cuba, Cỏ Giấy, Đàn Thảo, một số họ rotala, trân châu 3 lá, những họ tonina lá cứng và lá mềm…Thậm chí sau vài tháng sử dụng, vi sinh đã ổn định, cốt nền đã bớt nóng hơn thì việc trồng những loại cây nhạy cảm này cũng khá khó khăn, cần kinh nghiệm.
3. Giá Thành các loại cốt thông dụng (tháng 1-2021)
– Cốt nền JBL florapol Đức hủ 350g dùng cho hồ từ 50-100L nước: 155k, hủ 700g dùng cho hồ 150-200L nước: 270k
– Cốt JBL Aquabasic plus Đức bịch 2.5L dùng cho hồ 50-100L nước: 250k, bịch 5L dùng cho hồ 150-200L nước: 440k (loại này mắc hơn vì có trộn sẵn cát, không bị xì, và theo công ty JBL thì có thể dùng đến 3-5 năm)
– ADA Power sand: cốt nền mắc nhất, bịch 2L size S cho hồ 60-100L giá 600k, bịch size M và L 6L có giá 1400k, dùng cho hồ 200-300L (size S dành cho hồ có chiều cao 40cm trở xuống, size M cho hồ 45-50cm, size L cho hồ cao trên 50cm)
– Marfied Tropical Base 2L (cốt của nền contro soil): giá 340k, dành cho hồ 100L
– Tropica Substrate bao 1L dành cho hồ 40L: 180k, bao 2.5L dành cho hồ 100L: 280k, bao 5L dành cho hồ 200L (480k)
– Aquabase nuphar: bao 1kg dành cho hồ 100L: 170k
4. Kinh nghiệm, lời khuyên chọn cốt nền phù hợp (quan trọng)
– Cốt nền khi đã cho vào nền và vào nước thì không thể nào lấy ra được, trừ khi lật hồ làm lại. Hơn nữa, dinh dưỡng, các chất trong cốt nền sẽ quyết định thành bại của hồ bạn sau này nên việc chọn đúng, sử dụng đúng cốt nền ngay từ đầu là điều hết sức cần thiết.
– Lời khuyên đầu tiên của mình dành cho các bạn mới: thiếu dinh dưỡng thì hoàn toàn có thể châm thêm, nhưng nếu dư và độc dinh dưỡng thì thay nước mãi cũng không cải thiện được. Các bạn hoàn toàn có thể chơi cách an toàn là KHÔNG dùng cốt nền, chỉ dùng 100% nền công nghiệp xịn như ADA, Gex, Contro soil… Nếu cây thiếu dinh dưỡng thì châm thêm ít phân nước là an toàn. Hiệu quả hơn thì có thể ƯU TIÊN dùng cốt nền Công Nghiệp vì nó an toàn hơn (tuy yếu hơn). Mình đã gặp nhiều trường hợp trồng thảm Trân Châu Ngọc Trai thành công chỉ dùng 100% nền công nghiệp, hoặc có thêm cốt CN, và rất hiếm khi mình thấy bạn nào có thảm tcnt căng đẹp với nền trộn, hay cốt mạnh.
– Nếu bạn mới tập chơi, cốt jbl là sự lựa chọn tốt và rẻ nhất, an toàn nhất.
– Nếu các bạn muốn sử dụng cốt trộn, nên trồng những loại cây dễ trước, sau khi cycle 1 2 tháng hãy thử những cây khó và nhạy cảm.
– KHÔNG sử dụng quá liều hướng dẫn sử dụng, có thể dùng ít hơn hướng dẫn vì lý do phía trên. Nhiều khách hàng của mình dùng gâp 2-3 liều cốt nền khuyến cáo và kết quả là cây bị thối rữa, hoặc khá hơn thì bị “đứng” (ngừng phát triển) trong thời gian rất dài.
– Dù là dùng cốt trộn hay cốt CN thì việc thay nước ,và châm thêm vi sinh, phân nước là điều cần thiết. Cốt CN thì lượng sắt (Fe) khá ít và hầu như không tan vào trong nước, nên nếu bạn dùng đèn ánh sáng cao thì cây sẽ rất dễ bị thiếu Fe, bạc ngọn, rữa ngọn. Việc châm sắt kịp thời sẽ giúp cây hồi phục và phát triển nhanh hơn. Nhiều loại cốt trự trộn thì cần thay nước nhiều và cần châm NPK thời gian đầu (cốt nuphar qua trải nghiệm của mình), một cố loại cốt trộn khác thì sau khi thay nước cây rất hay bị thiếu Fe. Vậy nên các bạn luôn để ý tính trạng cây để phản ứng kịp thời.
– Không bao giờ chủ quan kiểu: “em sử dụng nền trộn nên chắc chưa thiếu dinh dưỡng” hoặc, “hồ em hồ mới nên chắc chắn không thiếu chất gì”. Có thiếu hay dư gì thì biểu hiện của cây trong hồ của các bạn là câu trả lời rõ nhất.
– Đèn hồ bạn càng sáng thì cốt nền càng dễ độc hoặc càng dễ thiếu dinh dưỡng. Hãy chọn mức đèn hợp với khả năng và kinh nghiệm của mình trước.
– Tránh việc nhổ rễ cây khỏi hồ có cốt nền vì sẽ dễ gây xì dinh dưỡng lên. Tốt nhất là dùng kéo cắt sát gốc cây, để gốc tự phân hủy sau.
– Việc kết hợp nhiều loại cốt với nhau thật sự không quá cần thiết.
Chúc các bạn chọn được cốt phù hợp và có hồ đẹp chơi tết.
Phạm Thành Văn
Leave a Reply