Thông Tin, Kinh Nghiệm về Ráy Trắng Nana petite “white” Thủy Mộc
(Thông số hồ ở cuối bài)
-
Giới Thiệu sơ lược:
Nana white xuất hiện đầu tiên ở Indo nhiều năm trước, đây là 1 dạng đột biến cực hiếm, lạ và tuyệt đẹp của nana petite. Người đầu tiên có nana white trong hồ đã nhân giống và bán ra khắp thế giới với giá rất cao. Tuy nhiên vào 1 ngày đẹp trời, ông ta bỏ vào những hồ ươm nana white của mình 1 số loại cây lạ và chỉ sau 1 2 ngày, toàn bộ ráy các hồ này đều bị hiện tượng rửa thân hàng loạt và không tài nào cứu nổi.
Người chơi trên thế giới và VN vẫn còn giống nana này nhưng nó phát triển rất chậm, và người đầu tiên và duy nhất cho đến giờ thành công với việc cấy mô, đưa nana white đến người chơi là Mr. Dũng của trại cây Thủy Mộc. Cộng đồng nhà trại lớn, người chơi cây trên thế giới luôn gọi Mr. Dũng là “người đàn ông trầu trắng”. Ở Mỹ và những nước châu Âu, họ cũng bán ra 1 loại ráy màu trắng với giá rất cao, nhưng thật ra người chơi sành sỏi nhìn vào sẽ nhận thấy đa số là loại ráy cẩm thạch, tuy cấy mô ra màu cực trắng nhưng khi trồng trong hồ thủy sinh thì luôn có khuynh hướng xanh lá trở lại.
Bản thân mình nhiều năm nay chưa từng thích và quan tâm đến giống cây này, lý do là mình thấy màu trắng và xanh của lá già nhìn như cây bị thiếu Fe và bị GDA (rêu mảng xanh) bám. Nhưng vì cũng muốn nghiên cứu chuyên sâu về nó, vô tình mình mới dần yêu thích vẻ đẹp của loài cây này, và công nhận rằng ráy trắng (và bucep – giống cây mình chưa bao giờ ưa) RẤT đáng chơi và đáng tiền bỏ ra mua.
-
Thông tin tổng quan, kinh nghiệm về ráy trắng:
- Khác biệt lớn nhất của ráy trắng là tuy màu trắng tinh, nhưng nhìn kĩ vẫn có 1 lớp xanh mỏng diệp lục để cây quang hợp, và vì cây ít diệp lục hơn những cây màu xanh, đỏ khác nên nó CẦN ánh sáng trung bình đến cao, cộng với co2 dồi dào để trắng đẹp.
- Thuộc loại ráy nhưng yêu cầu về nước, dinh dưỡng, ánh sáng, co2 khó hơn nhiều so với những loại ráy khác. Nếu bị khuất sáng, ráy trắng thường mất màu trắng nhanh, dễ bị rữa lá và rêu hại tấn công. Tương tự như vậy, thiếu co2 làm ráy trắng hồi biến về xanh cực nhanh và dễ rụng lá.
- Về dinh dưỡng, mình đã test nhiều hồ từ hồ có tds thấp 40-50 ppm, đến hồ tds cao 300+ trở lên, thì ráy trắng đều sống và phát triển tốt. Hồ trong clip là tds 45 và châm rất ít dinh dưỡng. Mình có cảm giác ráy trắng RẤT KHỎE và chịu đựng được nhiều môi trường dinh dưỡng, miễn là các bạn giữ hồ sạch sẽ hữu cơ, đừng để nhiều kim loại nặng vì nó cực ghét, giữ hồ không có rêu hại vì nó là loài phát triển chậm nên dễ bị rêu hại tấn công.
- gH cho ráy trắng mình test từ nước RO có gH từ 1, đến những hồ gH cao 12-15 độ vẫn OK. Có thể xuy ra gH không quá quan trọng cho ráy, chỉ có điều gH cao thì ráy được bảo vệ khỏi sự ngộ độc kim loại nặng và vi lượng. Nếu có thể, các bạn có thể châm khoáng gH đưa gH hồ lên từ 6-10 là tốt nhất, nhưng gH cao thì các bạn cũng phải châm thêm phân nước cao hơn 1 chút (NPK và vi lượng cao hơn xíu)
- kH và pH, cũng không quá quan trọng, ráy phát triển tốt trong pH thông dụng của các hồ thủy sinh (từ 5.5 đến 8). Tuy nhiên trong hồ pH thấp thì vi lượng có vẻ mạnh hơn nên nếu hồ quản lý nước không tốt, ráy trắng dễ bị rêu chùm đen bám.
- Về đa vi lượng, N P K tương đối quan trọng nhưng không bắt buộc phải cao. Ráy trắng chịu đựng được từ mức rất lean (thấp) đến mức cực cao (No3 50 ppm).
- Về vi lượng, ráy thích 1 lượng vi lượng cực ít trong nước và cực ghét kim loại nặng có nồng độ cao. Các bạn hạn chế châm nhiều Fe vào hồ có ráy trắng.
- Chất hữu cơ là kẻ thù của ráy trắng, nếu hữu cơ quá cao (như trong 1 số nguồn nước giếng), ráy trắng dễ bị lũng lá (có thể hữu cơ gây độc, làm ráy không ăn kali được), lá bị vàng, nát từ ngoài vào, bắt đầu từ lá già. Nếu các bạn bị những triệu chứng trên thì coi lại nguồn nước, nền quá cũ, hồ quá dơ do phân cá, nền… và tìm cách thay nước hay xử lý kịp thời.
- Ráy trắng Thủy Mộc bán ra đa số đã dưỡng cạn trong trại nên nó không sợ nồng độ Nh3 cao trong thời gian mới set hồ, nhưng nếu bạn mua ráy TM cấy mô còn trong bọc thì nên cycle hồ trước khi thả vào.
- Nên thả trôi ráy 1 vài ngày để thích nghi
- Ráy trắng rất khỏe khi người chơi dùng Excel, cidex, oxi già xịt vào để trị rêu hại.
- Điểm yếu của ráy trắng (và đa số họ ráy) là rất sợ bị khuẩn tấn công. Loại khuẩn này đã từng làm ông bạn người Indo mình nhắc ở phần một khóc ròng vì sau 1 2 ngày mà mất cả gia tài. Triệu chứng của việc nhiễm khuẩn là ráy bị thối thân, lá non rồi lan ra rất nhanh, sau đó nhiễm luôn qua nana petite cùng hồ. Để hạn chế nhiễm khuẩn, các bạn khi mua về nên ngâm ráy với 1 ít muối pha loãng, hoặc thuốc tím pha loãng trong vài phút. Hồ trồng ráy trắng nên hạn chế cho tay vào hồ, mình gặp vài trường hợp khách hàng của mình cũng là shop aqua nên luôn tách nhiều loại cây, sau đó thò tay vào hồ ráy trắng, kết quả là cả hồ nhiễm khuẩn, rữa sạch từ ráy trắng sang petite. Cũng nên hạn chế cho thêm cây, cá tép vào hồ đã ổn định nếu không rõ nguồn gốc.
- Về thuốc phòng và trị bệnh khuẩn này thì chỉ có 1 vài trại lớn trên thế giới biết và dùng, Thủy Mộc là 1 trong số đó. Tuy nhiên vì về tính bảo mật trong kinh doanh nên không được bán và chia sẽ rộng rãi. Theo quan sát cá nhân và qua nhiều cuộc trao đổi với Mr. Dũng, mình đồng ý với anh ấy rằng khuẩn này nó có 1 chiêu thức giết ráy cực hay, nó làm cây bị bệnh và không ăn được 1 chất vi lượng cực quan trọng làm cây thối thân rất nhanh. Vấn đề là khi biết chất đó là gì thì cây vẫn không hấp thụ được khi người chơi cung cấp thêm qua phân nước. Giống như khuẩn này làm cây không muốn ăn uống rồi chết đói. Vì vậy những cao thủ (như Mr. Dũng chẳng hạn) sẽ có chiêu bắt cây ăn chất thiếu đó 1 cách vô thức và tỉ lệ cứu cây được là trên 90%. Vì nhiều lý do nhạy cảm nên mình không thể tiết lộ chất đó là gì, và cách cho cây ăn vô thức kia.
Hồ trong clip mình cho ráy TM (trong bịch cấy mô) vào hồ từ ngày 20 tháng 1, cho đến này là 1 tháng 6 ngày. Toàn bộ đều phát triển rất nhanh và làm mình hơi bất ngờ.
Thông tin hồ:
105 x 45 x 55 (tâm bụi dán rất kĩ và đẹp)
Phân nền ADA Amazonia cũ, cát ADA (Nguyễn Hồng Quang tài trợ), lũa linh sam, đá Phan Thiết + đá đén Gia Lai, không cốt nền.
Nhiệt độ 26-27 độ
Đèn Haquila treo cao 35cm, bật 11-12 tiếng liên tục / ngày
2 lọc chế full sứ TQ và bông lọc
Co2 khí nén, 30 ppm (giảm 1 độ pH từ 6.5 xuống 5.5), co2 đưa thẳng vào máy bơm lọc
Thay nước 30% hằng ngày liên tục 2 tuần, sau đó giảm dần thành 3, 2 lần / tuần
Phân nước All in one Pro
Mình test tds 40-45 ppm cho đến lúc quay clip, sau đó mình sẽ nâng tds từ gH, kH, NPK, vi lượng đần lên 100-200-300 để quan sát thêm, đặc biệt về bucep và sẽ report kết quả trong vòng 2 tháng.
Cây cối: xin cảm ơn những nhà tài trợ:
Mr. Dũng – Thủy Mộc tài trợ nana white cực khỏe
Hà Triển – Bucepviet tặng hơn 15 loài bucep quý hiếm khác nhau
Dennis Lưu: nhiệt tình tài trợ 1 số loại dx, bucep ghost và red moss
Phạm Thanh Hiệp: tài trợ bucep trắng cẩm thạch
Cảm ơn Minh Trần (sai vặt)
Leave a Reply